Việt Nam đang trong tiến trình phát triển nông nghiệp theo xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất nông nghiệp. Hướng đi này bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực góp phần cơ cấu lại khu vực nông nghiệp. Thế nhưng, việc cập nhật cái mới cho vùng nông thôn cũng gặp phải không ít khó khăn.
1. Xu hướng ứng dụng Công Nghệ 4.0 vào Quản lý sản xuất nông nghiệp
Công nghệ 4.0 được hiểu khá thống nhất là những CN có tính đột phá thế hệ thứ 4, kết hợp từ những thành tựu trong lĩnh vực vật lý, số hóa cùng CN sinh học. Cốt lõi của CN 4.0 chính là CN phần mềm để thu thập dữ liệu và phân tích cơ sở dữ liệu, đưa ra những quyết định một cách thông minh từ kết quả phân tích. Công nghệ phần mềm được lắp đặt trên công nghệ phần cứng tạo nên sự đột phá và tác động tới quá trình sản xuất các lĩnh vực trong đời sống con người.
Công nghệ 4.0 có thể mang lại những tác động tích cực đối với ngành nông nghiệp, nhất là đối với các nước đang phát triển. Ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng nền kinh tế nước ta. Thế nhưng, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào biến động thời tiết, năng suất lao động của ngành còn thấp. Thế nên, công nghệ 4.0 là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất lao động và phát triển triển bền vững ngành nông nghiệp.
Xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 cho lĩnh vực trồng trọt trong những năm gần đây ở nước ta ngày càng định hình và phát triển. Hầu hết các nhóm công nghệ 4.0 cơ bản trong nông nghiệp đều đã được triển khai và bắt đầu được thử nghiệm tại nước ta. Trong đó các CN được áp dụng nhiều nhất là phần mềm quản lý sản xuất kết nối với hệ thống thiết bị cảm biến được trang bị ở nhà kinh, nhà lưới,…để tạo nên hệ thống canh tác thông minh trong nhà. Các công nghệ này được áp dụng khá đồng bộ tại một số doanh nghiệp, các trang trại sản xuất tập trung, quy mô tương đối lớn. Một số vùng sản xuất điển hình đang ứng dụng các CN 4.0 có thể kể đến như mô hình “Canh tác lúa tốt nhất” của HTX Mỹ Đông phối hợp với Công ty Rynan Smart Fertilizers, vùng trồng lúa của Tập đoàn Lộc Trời, các vùng sản xuất rau an toàn của Công ty Cầu Đất Farm, Công ty TNHH Đà Lạt GAP,…
Hiện nay, mặc dù tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp sử dụng nhà kính, nhà lưới còn rất thấp, thế nhưng việc áp dụng các công nghệ này đang ngày càng được mở rộng ở nhiều tỉnh, thành phố. Không chỉ được áp dụng tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lâm Đồng mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước như Kon Tum, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Sơn La,…
Ngoài hệ thống canh tác thông minh trong nhà, công nghệ cảm biến, công nghệ đèn LED đơn sắc,…đã được áp dụng thành công tại nhiều cơ sở trồng thanh long từ khu vực Bình Thuận đến Tiền Giang hay trồng hoa tại một số địa phương như Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu. Các phần mềm ứng dụng trong giám sát, quản lý quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm cũng đã được phát triển bởi các doanh nghiệp Việt như phần mềm của VIFARM, phần mềm Agricheck của Công ty cổ phần Đại Thành, phần mềm Nextfarm QRcheck của Công ty NextFarm, phần mềm của Công ty Mimosatek,…đã được đưa vào ứng dụng tại không ít cơ sở sản xuất nông nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố, tiêu biểu là công ty Phân Bón Hà Lan.
Bên cạnh những công nghệ đang được áp dụng khá hiệu quả nói trên, hiện sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang bắt đầu thử nghiệm ứng dụng những công nghệ hiện đại khác như: sử dụng robot để giao hạt tự động, CN máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, sử dụng tế bào quang điện để hỗ trợ sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, robot gắn các thiết bị cảm biến để thu thập và phân tích dữ liệu, sau đó đưa ra kế hoạch chăm sóc cây trồng phù hợp từ việc lựa chọn các loại phân làm từ hợp chất hữu cơ hay phân bón NPK, cho đến thời gian, lượng nước…
Mặc dù chưa có một mô hình hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0, thế nhưng có thể thấy ngày càng nhiều công nghệ 4.0 được đưa vào thử nghiệm và áp dụng trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
2. Thách thức trong thúc đẩy ứng dụng CN 4.0 trong SXNN ở Việt Nam
Cơ hội và lợi ích mà công nghệ 4.0 mang lại cho nông nghiệp là quá rõ ràng. Thế nhưng, để tận dụng được lợi thế cách mạng công nghiệp 4.0 thì có rất nhiều thách thức cần phải vượt qua.
Để ứng dụng công nghệ 4.0 hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp thì phải dựa trên nền tảng các thông số kỹ thuật có liên quan, từ đó chuyển hóa dữ liệu thành những quyết định sản xuất tối ưu. Thế nhưng, nước ta đang thiếu một hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học đầy đủ về sản xuất, vùng sản xuất (như điều kiện và đáp ứng sinh trưởng của cây trồng với sự thay đổi của những yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa, chất dinh dưỡng, thuốc trừ sâu…), về ngành hành (với những thông tin thị trường cung – cầu, biến động giá rẻ, tiêu chuẩn sản xuất – tiêu dùng,…), về thị trường công nghệ (như nhà cung cấp, nhà tư vấn, công nghệ, dịch vụ bảo hành công nghệ,…)
Tiếp đến, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán cùng chi phí đầu tư ban đầu cho việc áp dụng công nghệ 4.0 thường cao hơn so với những khoản chi phí sản xuất thông thường. Vì thế, thường dẫn tới mức lợi ích thu được không đạt hiệu quả, nhất là đối với những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Thế nên, khó thu hút đầu tư vào ứng dụng CN 4.0 trong SXNN.
Việc quản lý thị trường sản phẩm lỏng lẻo, thực thi những quy định về chứng nhận, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước hiện vẫn yếu kém. Vấn đề này đã gây ra sự cạnh tranh không công bằng cho những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao khi đánh đồng sản phẩm có chất lượng với những sản phẩm kém chất lượng hơn. Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thường có giá thành cao hơn, dẫn tới giá bán cao hơn. Điều đó gây khó cạnh tranh so với các sản phẩm thông thường.
Khó khăn tiếp theo là thị trường công nghệ 4.0 tại nước ta nhìn chung chưa phát triển. Ngày càng có nhiều tập đoàn, công ty phần mềm tham gia vào cung cấp những giải pháp phần mềm công nghệ 4.0, thế nhưng về cơ bản cơ khí trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của phần cứng công nghệ. Điều này làm hạn chế nguồn cung công nghệ cùng chi phí lắp đặt công nghệ 4.0 trở nên đắt đỏ hơn. Các dịch vụ vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng công nghệ chưa thuận tiện, nhất là tại những địa bàn khó khăn.
Phát triển nông nghiệp 4.0 đòi hỏi phải còn nguồn lao động chất lượng cao. Thực tế tại Việt Nam, nguồn lao động chất lượng cao, am hiểu về khoa học – kĩ thuật trong nông nghiệp còn ít, gây không ít khó khăn trong việc tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại. Điều này tạo ra thách thức lớn khi thực hiện những chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là ở những vùng miền có điều kiện kinh tế khó khăn.
Khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh ngày càng phức tạo đều gây nên hàng hoạt những khó khăn cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp. Vấn đề này khiến công nghệ phân tích, dự báo các yếu tố tự nhiên khó vận hành một cách tối ưu và có những thay đổi theo kịp diễn biến khó lường của thời tiết, dịch bệnh. Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ, mô hình phân tích, đánh giá tác động đã lỗi thời, công tác dự báo sẽ kém hiệu quả và gia tăng chi phí duy trì công nghệ.
Để nông nghiệp nước ta bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu, còn nhiều việc cần thực hiện để việc đổi mới và ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả tốt nhất. Khu vực tư nhân cần chủ động phát huy tình thần tự lực để gia tăng tính tự cường, đưa nông nghiệp Việt Nam hướng đến sản xuất thông minh dựa trên nền tảng CN 4.0. Hy vọng bài viết này của Tech Buzz sẽ giúp các bạn hiểu thêm về tình hình phát triển của nền nông nghiệp.